VƯỢT DÃY TRƯỜNG SƠN HÀNG NGÀN DẶM
TÌNH QUÂN DÂN MẶN NỒNG ĐẰM THẮM
*Tác giả: Lê - Trung - Tuyến (Hội Cựu chiến binh Đại học Kinh tế-Luật ;Đại học Quốc gia t/p Hồ Chí Minh; nguyên Giảng viên Khoa Kinh tế, nguyên Chủ tịch Công đòan trừơng)
Ngày 5/8/1964, Mỹ dựng sự kiện Vịnh bắc bộ, lấy đó làm nguyên cớ khởi đầu bắn phá sông Gianh, Bến thủy, Lạch trường, Hòn gai...Mấy năm sau “leo thang” bắn phá toàn bộ đất liền và thả ngư lôi vùng biển miền Bắc nước ta. Mục đích của chúng phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc; ngăn chặn các nguồn chi viện cả về kinh tế, quốc phòng từ nước ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam; hòng uy hiếp tinh thần và lung lay quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ của nhân ta trên cả hai miền.
Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ Tịch “không có gì quí hơn độc lập tự do”; vì miền Nam ruột thịt, hàng vạn thanh niên miền Bắc xếp bút nghiên, sẵn sàng xa gia đình, xa quê hương lên đường vào miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi.
Hành quân vào chiến trường
Sau gần 1 năm huấn luyện, cuối 1966, D14 được lệnh hành quân vào “Hải yến-S9”, tức miền Tây nam bộ. Từ nơi huấn luyện ở vùng núi Thạch thành (Thanh hóa), chúng tôi được ô tô chở đến làng Ho (Quảng bình), nghỉ nhà dân 1 đêm sáng hôm sau bám theo dãy Trường sơn nhằm phương Nam đi tới. Cuối tháng 5/1967 (gần 6 tháng đi bộ) tới Long an và Mỹ tho (Tiền giang). D14 có 90% là người Nam định, chỉ có một số đồng chí chỉ huy cấp trung đội trở lên là người tỉnh khác. Trong đó có các đồng chí người Long an và Mỹ tho ,1954 tập kết ra Bắc nay quay về giải phóng quê hương. Hồi đó tỉnh Nam định kết nghĩa với tỉnh Mỹ tho.
Mặc dù nhiều tháng khổ luyện, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật hành quân đi “B”, vậy mà D14 khi xuất phát gần 600 người, đến Long an-Mỹ tho chỉ còn khoảng 450 người. Một số đồng chí sốt rét ác tính hy sinh, một số bị bệnh vào viện dọc đường, quá trình hành quân đụng chiến dịch Gian xơn xi ti của địch, nhiều cung đường bị cắt, đơn vị phải dừng lại đợi giao liên và Binh đoàn 559 trinh sát, mở đường mới...Gian nan nhất là những cung đường mới phải leo núi bằng thang dây (loại cây dây leo) trong khi mỗi người đeo balô súng đạn nặng 20 kg, đồng chí leo sau giữ đầu dưới để thang không đung đưa, nếu thang đung đưa đá tai mèo cứa rách quần áo, thậm chí rách da thịt. Nhiiều cung đường đi cao hơn 2-3 tầng mây; đúng là:
...Vượt dãy Trường sơn cùng chiếc gậy
Tóc ta vờn gió, chân đạp mây
Lội suối, vượt đèo muôn vàn khó
Hành quân vào Nam tính từng ngày...
Nguy hiểm nhất là cung đường Đồng tháp mười. Giao liên gọi là “cánh đồng chó ngáp” (vì khi Mỹ-Ngụy đưa chó nghiệp vụ vào tìm quân giải phóng. Chó di chuyển nửa km kiệt sức dừng lại lè lưỡi ngáp).Hành quân tối ở cung đường này, phía sau mũ tai bèo có miếng “milơ” phát sáng xanh mờ, mỗi trung đội có 1 giao liên dẫn đường. Trước khi hành quân, giao liên “quán triệt”: Các đồng chí đi bám sát nhau, nếu chệch sang trái hoặc phải vài ba mét có thể bị sụp hố “sình lầy” khó cứu; rủi sụp hố sình không được cựa quậy vì cựa quậy sẽ bị chìm mất dạng; quay tròn đèn pin phía trước theo mật hiệu tôi làm mẫu, giao liên sẽ quay lại ứng cứu...Vậy mà đến trạm nghỉ vẫn mất tích 2 đồng chí...
Tình quân dân Cá-Nước
Đoàn hành quân đến Lò gò-Xóm giữa (Tây ninh), được nghỉ ít ngày dưỡng lại sức.Tại đây, các đoàn cán bộ: Ủy ban nhân dân, Tỉnh đội, Hội phụ nữ...của tỉnh Tây ninh cùng các Má, các Tía ở gần nơi đơn vị dừng chân đến thăm hỏi và tặng nhiều quà như: bò, heo, gà, trái cây...Các Má, các Tía trìu mến nắn tay, vuốt má các chiến sỹ trẻ gầy còm, hỏi thăm sức khỏe,quá trình hành quân ra sao...? Biết dọc đường nhiều đồng chí bị bệnh yếu, các đồng chí khỏe thay nhau cáng, một số sốt ác tính hy sinh dọc Đường trường sơn...Nhiều Tía- Má rưng rưng lệ...Chúng tôi ra hiệu nhau chuyển sang chuyện khác...Những ngày dài ăn uống kham khổ do bị địch phong tỏa đường mòn không đến kho lấy nhu yếu phẩm được, cả tiểu đội 10-12 người mỗi bưã chỉ có 1 lon gạo nấu cháo ...vào rừng kiếm thêm rau củ ăn đỡ đói. Nay được các Tía- Má chăm sóc “bồi dưỡng”, sức khỏe chúng tôi nhanh chóng hồi phục.
Long an-Mỹ tho từ giữa 1968 vùng giải phóng mở rộng, nhiều nhà dân tỏa về ở ven kênh rạch. Đơn vị ở phân tán, mỗi gia đình cô bác chăm sóc 2-3 chiến sỹ. Địch càn được các đồng chí “nội tuyến” báo trước, chúng tôi di tản sang vùng an toàn (đánh địch phải có lệnh của cấp trên, nếu không có lệnh phải di tản bảo toàn lực lượng). Đôi khi “nội tuyến” không báo kịp, chúng tôi phải “ém dè” (cô bác gọi là “chém rè”) tại chỗ: Người ôm súng đạn nằm ngửa dưới nước, sát đất; hai tay hai chân kẹp gốc dừa nước, miệng ngậm ống nhựa dẻo đường kính gần 1cm để thở, đầu kia được dấu kín, cắm qua bụi lục bình (bèo tây) cao hơn mặt nước...Các Tía luôn chuẩn bị vài ba chục lít rượu đế, năm bảy kg cá khô.Địch càn,dù chúng tôi đã chuyển đến vùng an toàn các Tía vẫn gầy bàn nhậu để lính hạn chế lùng sục...Có lần nhậu xong, địch đã rút, Tía sỉn, Má lo dọn dẹp quên ...khi Má ra kênh rạch khỏa nước làm mật hiệu để lên bờ, do ngâm nước quá lâu hai chúng tôi da nhăn nheo vàng khè như xát nghệ (Long an hồi đó nước nhiễm phèn nặng)...Má khóc òa như trẻ thơ, chúng tôi cảm kích cũng khóc theo...
Khi nước nhà thống nhất chúng tôi liên lạc, hẹn nhau cùng về chiến khu xưa để thăm các Tía-Má...nhưng kông gặp được...những cô bác nơi khác đến đó ở nói : Có lẽ từ cuối 1969 chính quyền Cămpuchia thân Mỹ thỏa thuận cho quân Mỹ-Ngụy càn dọc biên giới cô bác đã bị địch sát hại, hoặc chạy loạn sau đó định cư nơi khác...tâm trạng chúng tôi lặng xuống buồn nặng trữu...
Bây giờ, dù không gặp lại, nhưng hình ảnh các Tía-Má và các Chị dân quân luôn in đậm trong trái tim chúng tôi. Tình cảm ấy thiêng liêng vững chãi như núi sông, như một trang vàng trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oai hùng!
Giành được chính quyền đã khó
Giữ chỉnh quyền càng khó hơn
Gánh nặng trên vai thế hệ mai sau
Xây dựng đất nước manh giàu
Tổ quốc ta mới độc lập bền lâu!
*********************************